Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Trần Phú - Huyện Nam Sách

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan xã Trần Phú


​1.  Truyền thống đấu tranh và xây dựng quê hương qua các thời kỳ xa xưa, trước cách mạng, sau cách mạng đến nay

 Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân Trần Phú không những đã cần cù lao động, khai hoang vỡ hóa, biến vùng đất hoang vu thành đồng ruộng phì nhiêu, xây dựng tình đoàn kết chan hòa trong cộng đồng làng xóm mà để bảo vệ cuộc sống thanh bình ấy, mỗi khi giặc giã hoành hành, những người con quê hương Trần Phú lại kiên cường đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Truyền thuyết về các vị thánh: bà Cấy vận động dân làng sản xuất lấy thóc nuôi quân trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đến tướng quân Phạm Chiên (Phạm Lệnh Công) – người con quê hương có công giúp Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, tướng quân Hoàng Hồng giúp vua Lý Nhân Tông đánh thắng quân xâm lược Ai Lao, truyền thuyết về 4 vị thánh được thờ tại đình Thượng Dương và Tương Dương có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông,…. còn để lại nhiều minh chứng về truyền thống yêu nước của những người con quê hương Trần Phú ngày từ buổi đầu thời kỳ dựng nước. Trải qua thời gian, chứng tích về các cuộc đấu tranh đó dần mai một, song công lao của những vị anh hùng cứu nước, cứu dân vẫn mãi được các thế hệ người dân Trần Phú ghi nhớ, tôn thờ như một tín ngưỡng. Ngày nay, nhân dân Trần Phú còn tôn thờ hai anh em tướng quân lừng danh họ Vũ là nguyên soái Vũ Minh và tướng quân Vũ Thắng (thế kỷ VI) và hai anh em Hý Hùng, Hý Tuấn đã có công giúp nhà vua đánh giặc.

Tiếp nối truyền thống đó, từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước ta, ở Trần Phú đã có nhiều người hưởng ứng và tham gia các phong trào khởi nghĩa chống Pháp. Nhất là từ khi có đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Truyền thống và sức mạnh của quê hương được khơi dậy như sóng trào dâng, nhân dân cùng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ phong kiến tay sai bán nước để giành độc lập, bảo vệ quê hương, đất nước của người dân Trần Phú được nhân lên gấp bội, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Mảnh đất Trần Phú không những giàu về tiềm năng đất đai, điều kiện tự nhiên địa lý cũng khá thuận lợi cho việc canh tác, cấy trồng, phát triển một nền kinh tế phong phú, đa dạng mà còn có một nền văn hóa lâu đời mang đậm bản sắc dân tộc. Nhân dân Trần Phú luôn đoàn kết, cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động cải tạo tự nhiên; bất khuất, kiên cường trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Truyền thống quý báu đó là cội nguồn sức mạnh để nhân dân Trần Phú vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

2. Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, ...

Là quê hương giàu truyền thống văn hóa, mặc dù nguồn gốc cư dân từ nhiều nơi đến song hình thức sản xuất, tập quán,tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa xã hội ở xã Trần Phú cơ bản giống nhau, vẫn luôn được duy trì, bảo tồn và phát triển ở nơi đây. Phật giáo giữ vị trí quan trọng trong dời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Trần Phú, chỉ có 23 hộ gia đình ở thôn Mạn Đê theo đạo Thiên Chúa. Riêng Bịch Tây từ năm 1954 trở về trước là thôn Thiên chúa giáo toàn tòng, ngoài ra thôn Hoàng Xá có 20 hộ và An Thường có 14 hộ theo Thiên chúa giáo.

Trước đây, trên địa bàn xã Trần Phú có 9 đình: Thượng Dương, Tương Dương, Mạn Đê, Thạch Đê, Thụy Trà, Bịch Đông, Hoàng Xá, Trại Thượng, An Thường , 8 chùa, 3 nhà nhờ Thiên chúa giáo: Kim Bịch, An Thường xưa (An Thượng nay), Hoàng Xá. Ngoài ra, còn chục ngôi đình, miếu thờ thành hoàng, thổ địa, bà cô,… Các ngôi đình, chùa, nghè hầu hết được xây dựng ở thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XX với những tiết chạm trổ tinh vi, khéo léo. Đây là những công trình văn hóa, nghệ thuật quý do bàn tay nghệ nhân tài hoa và công sức của người dân tạo nên. Tuy nhiên, do thời gian và chiến tranh tàn phá, nhiều công trình đã không còn. Ngày nay, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, những di tích còn lại được nhân dân bảo tồn, tôn tạo. Mặc dù lương giáo khác nhau song người dân Trần Phú vẫn gắn bó đoàn kết với nhau bởi tình làng nghĩa xóm và tập quán, phong tục lâu đời.

Từ năm 1990 nhân dân đã góp công, góp của khôi phục các di tích cũ. Đặc biệt gần đây nhân dân 5 thôn: Mạn Đê, Thụy Trà, Thượng Dượng, Bịch Đông, An Thượng đã xây dựng các ngôi chùa mới to đẹp với kinh phí gần 20 tỷ đồng.

Đình Thuỵ Trà thờ tướng công Phạm Chiêm là người có công lớn trong thời kỳ đầu khôi phục nền độc lập và chống giặc ngoại xâm của dân tộc ở thế kỷ thứ 10 cháu nội của cụ Đại tướng Phạm Cư Lạng  (Lượng) là người có công đầu trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược năm 981 thời vua Lê Hoàn và cũng được thờ tại đây. Năm 2013, khu di tích Đình làng Thuỵ Trà được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là di tích lịch sử văn hoá.

Đình làng Mạn Đê thờ tướng quân Hoàng Hồng có công lớn trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm thời đại Tiền Lê. Ngài đã hoá (mất) tại địa phương thôn Mạn Đê được nhân dân thờ phụng. Và được các đời vua phong nhất đẳng nhân thần thờ là Thành Hoàng làng Mạn Đê đã hơn 10 thế kỷ. Hiện thôn Mạn Đê còn lưu giữ được nhiều sắc phong của các đời vua qua nhiều thời kỳ lịch sử. Năm 2016 khu di tích Đình làng Mạn Đê được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hoá.

Đình Thượng Dương và Tương Dương thờ 4 vị tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, sau khi mất dược triều đình sắc phong là Thành hoàng.

Đình Bịch Đông được xây dựng từ lâu đời và có ý nghĩa lịch sử truyền thống. Theo thần phả, ngôi đình được xây dựng cách đây khoảng trên 500 năm.Nơi thờ hai anh em vị tướng quân lừng danh họ Vũ là nguyên soái Vũ Minh và tướng quân Vũ Thắng, cả hai anh em đã giúp nhà vua thời Tiền Lý đánh bại giặc Lương, lập được chiến công lớn vào thế kỷ VI. Các vị vua triều đại nhà Nguyễn đã ban 8 sắc phong ghi công trạng của hai oog. Trải qua thời gian, hiện nay trong đình chỉ còn lưu giữ được một sắc phong (do vua Duy Tân năm thứ ba phong tặng). Lễ hội truyền được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Đình An Thường (thôn An Thượng) thờ thành hoàng là hai anh em Hý Hùng, Hý Tuấn. Tương truyền, xưa kia nơi đây có bà Tạ Thị Uẩn làm nghề chài lưới, gia cảnh thanh bần, sinh hạ một lần được hai người con trai khôi ngô, tuấn tú là Hý Hùng, Hý Tuấn, tư chất thông minh, học hành, đỗ đạt. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua sai sứ giả đi khắp thiên hạ kén người hiền tài ra giúp nước. Cả hai anh em Hý Hùng, Hý Tuấn được vua phong tước và cử đi dẹp giặc. Giặc tan, thắng trận hai ông trở về, đến khu đống nghè giữa ấp An Thường và Hoàng Xá bỗng một vầng hào quang tỏa sáng, người và ngựa từ từ bay lên thẳng trời. Để ghi công trạng của hai ông, các triều vua Minh Mạng, Thiệu Đức, Khải Định, Duy Tân, Bảo Đại đều có sắc phong được lưu giữ tại đình làng nhưng đã bị thất thoát trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Điều đặc biệt là nhân dân địa phương không chỉ thờ phụng những bậc nam nhi có công với nhân dân, với nước mà còn thờ phụng những người phụ nữ đã hết lòng vì quê hương đất nước như nghè Thượng Dương thờ bà Cấy, nghè Mạn Đê thờ bà Độ.

Giáo xứ Kim Bịch nằm trên địa bàn thôn Bịch Tây, xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (Trước đây là thôn Kim Bịch). Xứ Kim Bịch là một trong những giáo xứ lớn ở vùng Nam Sách, Hải Dương. Năm 1954, giáo dân đi dư cư vào Nam nhiều, thiếu vắng linh mục coi sóc và từ đó giáo xứ dần dần trầm lắng.

Ngôi thánh đường giáo xứ Kim Bịch, xây dựng năm 1930, sau nhiều năm xuống cấp được trùng tu sửa chữa nâng cấp nhiều lần, cơ sở vật chất cũng như tổ chức, tư tưởng con người, đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thăng trầm, sóng gió Ngôi thánh đường của nhà xứ được khang trang, sạch đẹp là biểu hiện rõ ràng sự liên kết và hợp nhất giữa cha xứ và bà con giáo dân, giữa những người con của giáo xứ Kim Bịch miền Bắc, giáo xứ Kim Bích, Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai tại miền Nam và Hải ngoại. Ngôi thánh đường còn biểu hiện lòng tin sâu sắc tuyệt đối của người giáo dân của họ nhà xứ Kim Bịch xưa và nay.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhà nước và nhân dân xây dựng từ năm 2011, đến ngày 01/7/2012 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau khi xây dựng xong, UBND xã Nam Chính đã thành lập Ban quản lý di tích gồm 19 thành viên, do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban và trưởng các ban ngành đoàn thể có liên quan khác của xã làm thành viên. Ban quản lý của xã đã xây dựng quy chế và phân công nhiệm cho từng thành viên.

Điểm du lịch Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm 3 khu: Thượng Cung, trung cung và hạ cung. Khu thượng cung có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng 206,7 m2, gồm 3 gian, 2 dĩ. Khu trung cung có hồ Bán nguyệt rộng 276,7 m2; khu hạ cung có nhà chờ và nhà bia tưởng niệm. Trong đó, quy mô bề thế và có giá trị nghệ thuật tâm linh trọng đại nhất là đề thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là Điểm du lịch tỉnh Hả i Dương (theo quyết định số 3006/QĐ-UBND, ngày 27/8/2019). Được UBND tỉnh Hải Dương công nhận di tích cấp tỉnh, thành phố năm 2025. (Theo Quyết định số 3440/QĐ-UBND, ngày 27 thánh 12 năm 2024).

Hàng năm, 7/7 thôn đều đạt và giữ vững danh hiệu làng văn hoá.

3. Truyền thống hiếu học, văn hóa nghệ thuật

Mặc dù trong xã hội cũ, vất vả quanh năm, đói cơm, thiếu áo song người dân Trần Phú từ xưa đã nổi tiếng trong vùng là thông minh, hiếu học. Nhiều người thi cử đỗ đạt, có người đỗ hoàng giáp, tiến sĩ, thậm chí Thám hoa, ra làm quan có tiếng tài đức, cống hiến cho dân, cho nước được ghi vào văn bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Theo sách Đăng khoa lục, thời phong kiến các làng thuộc Trần Phú ngày nay có 6 vị đỗ đại khoa: Vũ Như Nhuế, Hoàng Đảng, Hoàng Giáp Trung, Nguyễn tự Cường, hai cha con ông Đặng Thời Thố (tức Đặng Thì Thố), con trai là Đặng Thời Mẫn (Theo lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nam Trung (1930 – 2020).

Theo gia phả dòng họ Đặng Huy, thôn Trại Thượng cũ (nay là thôn An Thượng) được hình thành cách đây 500 năm do một gia đình cụ tổ họ Đặng Huy sáng lập có 7 người đỗ đạt khoa bảng gồm: Đặng Thời Thố, Đặng Thời Mẫn, 1 vị thi đỗ học vị Chế khoa hoành từ, được bổ chức Tri huyện Nghi Dương, 1 vị được bổ nhiệm giữ chức Huấn đạo phủ Quốc Oai (Hà Tây), 1 vị được bổ nhiệm giữ chức Tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ), 1 vị được bổ nhiệm giữ chức Quốc Tử Giám Giám sinh, 1 vị được bổ nhiệm giữ chức Quốc Tử Giám Thái Tử (Theo lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nam Chính (1930 – 2020).

Ngày nay, nhân dân trong xã luôn có ý thức bảo tồn, phát huy truyền thống, góp phần vụ đắp, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Các thế hệ con cháu nối tiếp truyền thống của cha ông tiếp tục đem công sức, trí thông minh và sự sáng tạo của mình để xây dựng quê hương, đất nước. Xã có nhiều người con thành đạt, có học hàm, học vị cao, giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, gồm 2 giáo sư, 3 phó giáo sư, 12 tiến sĩ, 18 cán bộ cấp cao trong lực lượng quân đội, công an (Thượng Tá trở lên) và một số đồng chí là cán bộ chủ chốt cấp huyện, tỉnh, Trung ương.

3. Truyền thống nghề thủ công, món ăn, cách mặc truyền thống

Trần Phú nổi tiếng với nghề trồng cây hành tỏi vụ đông với trình độ thâm canh cao và từ nguyên liệu sẵn có. Nhân dân xã Trần Phú đã phát triển nhanh, mạnh và bền vững một nghề mới đó là nghề sấy nông sản xuất khẩu. Tiêu biểu là thôn Mạn Đê được UBND tỉnh Hải Dương công nhận danh hiệu Làng nghề năm 2004. Hiện trên địa bàn xã có hơn 20 công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chế biến và buôn bán hàng nông sản. Trên 300 hộ làm nghề sấy nông sản các loại. Đồng thời Trần Phú cũng là nơi tiêu thụ chính các mặt hàng hành, tỏi trong tỉnh Hải Dương và các khu vực lân cận. Nghề trồng hành vụ đông và chế biến nông sản đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã.

Ngoài ra, còn có nhiều công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng may mặc, sản xuất vàng mã xuất khẩu đạt hiệu quả cao. Cùng với việc sản xuất, việc bảo vệ môi trường để phát triển bền vững cũng được quan tâm. Từ năm 2002 thôn Mạn Đê là thôn duy nhất của tỉnh Hải Dương và là một trong 14 đơn vị trong cả nước được công nhận danh hiệu "Làng Năng suất xanh". Được Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) thăm kiểm tra và công nhận cho đến nay.

Xã đã có 6 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao gồm: Hành củ sấy khô, lá hành, lá hẹ, lá mủa sấy khô và quả đậu bắp sấy khô, phở khô, bún khô.

4. Những danh nhân, nhân vật lịch sử, truyền thuyết có công với quê hương, đất nước, địa phương

Truyền thuyết về các vị thánh: bà Cấy vận động dân làng sản xuất lấy thóc nuôi quân trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đến tướng quân Phạm Chiên (Phạm Lệnh Công) – người con quê hương có công giúp Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, tướng quân Hoàng Hồng giúp vua Lý Nhân Tông đánh thắng quân xâm lược Ai Lao, truyền thuyết về 4 vị thánh được thờ tại đình Thượng Dương và Tương Dương có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông,….

Tôn thờ hai anh em tướng quân lừng danh họ Vũ là nguyên soái Vũ Minh và tướng quân Vũ Thắng (thế kỷ VI) và hai anh em Hý Hùng, Hý Tuấn đã có công giúp nhà vua đánh giặc.

Truyền thuyết về các vị thánh: bà Cấy đến tướng quân Phạm Chiên (Phạm Lệnh Công)

Tương truyền, bà Cấy là một phụ nữ yêu nước, giỏi nghè nông trang. Bà có công vận động và tổ chức dân làng sản xuất để lấy thóc nuôi quân đánh giặc Hán trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nhớ ơn và để lưu danh bậc nữ lưu trung liệt, dân làng Thượng Dương đã lập nghè thờ cúng bà.

Còn bà Độ thôn Mạn Đê là người phụ nữ thông minh, tài giỏi, bà làm nghề đỡ đẻ nên dân làng tôn kính còn gọi là bà Đẻ. Bà có công giúp nhiều bà mẹ sinh nở được “mẹ tròn con vuông". Tương truyền, bà đã cứu sống một Hoàng hậu khi trở dạ trên đường. Khi về đến kinh đô, hoàng hậu ban thưởng cho bà số ruộng đến chân núi Ba Đèo thuộc huyện Chí Linh ngày nay. Sau bà đem chia ruộng cho dân làng cày cấy. Khi bà mất, dân làng Mạn Đê đã lập nghè hương khói quanh năm.

5. Cảnh quan, di tích đặc sắc cần giữ gìn

Năm 2013, khu di tích Đình làng Thuỵ Trà được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Đình Thuỵ Trà thờ tướng công Phạm Chiêm là người có công lớn trong thời kỳ đầu khôi phục nền độc lập và chống giặc ngoại xâm của dân tộc ở thế kỷ thứ 10 cháu nội của cụ Đại tướng Phạm Cư Lạng (Lượng) là người có công đầu trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược năm 981 thời vua Lê Hoàn và cũng được thờ tại đây.

Năm 2016 khu di tích Đình làng Mạn Đê cũng được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hoá. Đình làng Mạn Đê thờ tướng quân Hoàng Hồng có công lớn trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm thời đại Tiền Lê. Ngài đã hoá (mất) tại địa phương thôn Mạn Đê được nhân dân thờ phụng. Và được các đời vua phong nhất đẳng nhân thần thờ là Thành Hoàng làng Mạn Đê đã hơn 10 thế kỷ. Hiện thôn Mạn Đê còn lưu giữ được nhiều sắc phong của các đời vua qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Nét nổi bật của Trần Phú có Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là Điểm du lịch tỉnh Hải Dương theo quyết định số 3006/QĐ-UBND, ngày 27/8/2019. Và được UBND tỉnh Hải Dương công nhận di tích cấp tỉnh, thành phố năm 2025. Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây được xây dựng tại thôn An Thường (nay là thôn An Thượng) với một ngôi nhà mái ngói dùng để lưu giữ những kỷ vật và hình ảnh về Bác tại nơi Bác Hồ dừng chân nói chuyện năm xưa. Nhân kỷ niệm sự kiện 45 năm ngày Bác về thăm, vào ngày 19/5/2010, trên nền ngôi nhà tưởng niệm cũ, tỉnh Hải Dương và huyện Nam Sách đã tiến hành khởi công xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với quy mô lớn. Sau 2 năm xây dựng, ngày 01/7/2012 công trình khánh thành và đưa vào sử dụng. Điểm du lịch Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm 3 khu: Thượng Cung, trung cung và hạ cung. Khu thượng cung có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng 206,7 m2, gồm 3 gian, 2 dĩ. Khu trung cung có hồ Bán nguyệt rộng 276,7 m2; khu hạ cung có nhà chờ và nhà bia tưởng niệm. Trong đó, quy mô bề thế và có giá trị nghệ thuật tâm linh trọng đại nhất là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

6. Lịch sử hình thành làng, xã (trước cách mạng tháng Tám và sau cách mạng tháng Tám)

Xã Trần Phú được hình thành từ lâu đời. Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, xã hội, từ khi tạo dựng lên trại ấp, làng xóm đến nay, vùng đất Trần Phú đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, tên làng (xã).

Đến đầu thế kỷ XIX, địa bàn Trần Phú gồm các xã: Mạn Đê (gồm các thôn Mạn Đê, Thạch Đê, Nhân Lễ), Thụy Trà (gồm thôn Thượng và thôn Hạ), Tương Đặng, Thượng Đặng, Hoàng Xá, An Thường (tổng Mạn Đê) và Kim Bịch (tổng La Đôi) thuộc huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (từ năm Minh Mạng thứ 12- 1931 là tỉnh Hải Dương.

Đầu thế kỷ XX, cấp trung gian giữa huyện và tỉnh bị xóa bỏ, tổng Mạn Đê thuộc phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương gồm các xã Mạn Đê, Thạch Đê, Thủy Trà hạ, Thủy Trà Thượng, Thượng Dương, Tương Dương, Nhân Lễ, An Thường, Hoàng Xá.

Từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội (06/01/1946), bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp tỉnh và xã (25/4/1946), Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quyết định thành lập các xã mới. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Nam Sách, cuối tháng 12/1945, các xã trên địa bàn tổng Mạn Đê cũ được tách ra thành lập xã Vạn Xuân và xã Minh Đức thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Xã Vạn Xuân gồm các thôn An Thường, Hoàng Xá, Thượng Dương, Tương Dương và Trại Thượng. Xã Minh Đức có 3 thôn: Thụy Trà, Mạn Đê, Thạch Đê (thuộc xã Nam Trung ngày nay). Xã Kim Bịch gồm 2 thôn Bịch Đông và Bịch Tây.

Cuối năm 1949, Huyện ủy Nam Sách có chủ trương hợp nhất xã Vạn Xuân và xã Minh Đức thành một xã lấy tên là xã Phùng Hưng. Song do địch càn quét nên việc hợp nhất phải tạm dừng lại. Tháng 01/1951 các xã Minh Đức, Vạn Xuân và Kim Bịch được sáp nhập thành một xã, lấy tên là xã Trần Phú.

Tháng 6/1956, xã Trần Phú được tách thành 2 xã: Nam Chính và Nam Trung:

+ Xã Nam Chính gồm có 4 thôn và 1 Trại là Bịch Đông, Bịch Tây, Hoàng Xá, An Thường và Trại Thượng. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương, tháng 6/2019 thôn Trại Thượng và thôn An Thường sáp nhập thành một lất tên là thôn An Thượng. Từ đó đến tháng 11/2024 xã Nam Chính còn 4 thôn An Thượng, Bịch Đông, Bịch Tây và Hoàng Xá.

+ Xã Nam Trung gồm có 5 thôn: Thượng Dương, Tương Dương, Mạn Đê, Thạch Đê và Thụy Trà, Mạn Đê và Thượng Dương. Đến năm 1961, các thôn Tương Dương, Thượng Dương được sáp nhập thành 1 thôn, lấy tên là Thượng Dương; thôn Thạch Đê và thôn Mạn Đê được sáp nhập lấy tên là Mạn Đê. Từ đó đến tháng 11/2024 xã Nam Trung còn 3 thôn: Mạn Đê, Thụy Trà và Thượng Dương.

Đến năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 và các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, Đảng ủy hai xã Nam Trung và Nam Chính đã khẩn trương triển khai thực hiện quy trình các bước theo đúng hướng dẫn. Ngày 24/10/2024 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 1250/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 – 2025. Thành lập xã Trần Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,97km2, quy mô dân số là 7.012 người của xã Nam Trung và toàn bộ diện tích tự nhiên là 4,28 km2, quy mô dân số là 4.938 người của xã Nam Chính. Sau khi thành lập, xã Trần Phú có diện tích tự nhiên là 8,25 km2 và quy mô dân số là 11.950 người xã có 7 thôn gồm (Thụy Trà, Mạn Đê, Thượng Dương, An Thượng, Hoàng xá, Bịch Tây, Bịch Đông). Ngày 19/11/2024 Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách ban hành Quyết định số 778 – QĐ/HU thành lập Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ huyện; chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, chức dang Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy xã Trần Phú khóa I, nhiệm kỳ 2020 – 2025.  Ngày 29/11/2024 H uyện ủy Nam Sách đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 778 – QĐ/HU, ngày 19/11/2024 thành lập Đảng bộ xã Trần Phú trực thuộc Đảng bộ huyện Nam Sách từ ngày 01/12/2024. Đảng bộ xã Trần Phú có 551 đồng chí Đảng viên sinh hoạt ở 17 chi bộ Đảng trực thuộc Đảng bộ (gồm 7 chi bộ nông thôn, 5 chi bộ trường học, 1 chi bộ Quân sự, 1 chi bộ Công an, 1 chi bộ Y tế, 1 chi bộ HTX DVNN, 1 chi bộ Công ty CP May Thiên Tân).​